Ăn mặn gây tăng huyết áp có đúng không?
Gia đình tôi có người bị bệnh tăng huyết áp. Tôi nghe nói thói quen ăn nhiều muối là một trong những nguyên nhân gây tăng huyết áp. Xin hỏi, ăn mặn gây tăng huyết áp có đúng không? Người bị bệnh tăng huyết áp nên ăn muối như thế nào cho đúng? Tôi xin cảm ơn! (Hằng- Hải Dương)
Trả lời:
Chào chị Hằng!. Cảm ơn chị đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho Nhà thuốc Khải Hoàn. Câu hỏi ăn mặn gây tăng huyết áp có đúng không, chúng tôi xin được trả lời như sau:
Ăn mặn gây tăng huyết áp có đúng không?
Chị Hằng thân mến! Thành phần chính của muối ăn là natri. Bình thường nồng độ natri trong cơ thể là 9‰. Khi dùng muối, nồng độ natri của cơ thể sẽ tăng lên tức thời và cơ thể sẽ điều chỉnh bằng cách thẩm thấu dịch gian bào (dịch nằm giữa các tế bào) từ thành động mạch vào trong lòng mạch máu để nồng độ muối trong máu được duy trì ở trạng thái bình thường. Khi đó lòng động mạch bị thu hẹp do mất nước (dịch gian bào) trong khi đó khối lượng máu trong lòng mạch máu tăng lên khiến áp suất trong thành mạch tăng. Lòng mạch co lại, áp suất tăng chính là nguyên nhân gây tăng huyết áp.
Việc ăn nhiều muối cộng thêm các yếu tố stress trong cuộc sống sẽ làm tăng hoạt động của hệ thần kinh giao cảm, tăng hoạt động của hệ renin – angiotensin, dẫn đến tăng tái hấp thu natri ở ống thận. Ion natri vào nhiều trong tế bào của cơ trơn gây co mạch, tăng sức cản ngoại vi và tăng huyết áp.
Người bị bệnh tăng huyết áp nên ăn muối như thế nào cho đúng?
Đối với người bình thường không bị tăng huyết áp, không bị thừa cân, không mắc các bệnh phải kiêng mặn cũng chỉ nên ăn 6-8 g muối /ngày. Những người từ 45 tuổi trở lên cần ăn hạn chế muối để tránh bệnh cao huyết áp, nên ăn tăng rau và hoa quả để tăng lượng kali (có tác dụng giảm huyết áp cao).
Người bệnh cao huyết áp được khuyến cáo nên ăn nhạt muối. Natri thường có sẵn trong thực phẩm, một chế độ ăn không cho thêm muối, nước mắm cũng đã cung cấp 1,6 g natri, tương đương 4,1 g muối ăn. Như vậy nếu chị dùng đồ ăn tươi, chị không cần quá bận tâm đến lượng muối. Khi chế biến thức ăn, chị có thể kiểm soát được lượng muối nạp vào dễ dàng hơn.
Tóm lại để phòng ngừa, kiểm soát và duy trì huyết áp ở ngưỡng an toàn, ổn định nên ăn nhạt muối, ăn uống khoa học đảm bảo cân bằng dinh dưỡng, tăng cường vận động, tránh xa căng thẳng – stress, thăm khám sức khỏe định kỳ, đo kiểm tra huyết áp thường xuyên.
Bình luận
Không tìm thấy bài viết